Một số vấn đề nổi lên qua công tác kiểm tra tài chính đảng theo Điều 32-Điều lệ Đảng của UBKT Tỉnh ủy từ năm 2011 đến năm 2014

          Từ năm 2011 đến năm 2014, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức thực hiện 08 kế hoạch kiểm tra tài chính đối với đối với 23 cấp ủy địa phương tại cấp huyện và cấp xã, với nội dung kiểm tra: Việc chấp hành và chỉ đạo của cấp uỷ đối với các ban đảng, văn phòng cấp uỷ và cấp uỷ cấp dưới chấp hành chủ trương chính sách, chế độ, tiêu chuẩn và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; việc ban hành các chủ trương, quy định, quy chế, quyết định về công tác tài chính đảng của cấp uỷ; việc chấp hành các quy định về chế độ kế toán; việc uỷ quyền cho cơ quan tài chính cấp uỷ làm chủ sở hữu tài sản của Đảng; việc thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí; việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác nghiệp vụ và kiểm tra tài chính đảng đối với cấp uỷ cấp dưới.

          Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy đa số các cấp ủy được kiểm tra đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tài chính, tài sản cơ bản đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công; văn phòng cấp ủy kịp thời tham mưu thường trực cấp ủy điều hành, quản lý tài chính bảo đảm kinh phí phục vụ cho hoạt động của cấp ủy và của cơ quan. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn công tác tài chính ở một số cấp ủy địa phương vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Thực hiện công tác lập dự toán chưa thật sự chủ động, chưa bám sát thực tế, hạch toán kế toán một số trường hợp phản ánh chưa đúng mục lục ngân sách; xử lý công nợ thiếu kiên quyết, còn kéo dài, có đơn vị chi tiếp khách còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi hoạt động thường xuyên; một số nơi vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ cơ quan thanh toán chế độ vẫn còn nhiều trường hợp sai phạm trong thực hiện chế độ chi theo Quy định số 2701-QĐ/TU, ngày 26/11/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của các cấp ủy, cơ quan đảng ở tỉnh và địa phương

          Sau kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị các cấp ủy chỉ đạo thu hồi và nộp trả về cho ngân sách địa phương, đơn vị số tiền khá lớn, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể vi phạm công tác tài chính đảng và đã tiến hành thi hành kỷ luật đối với các cá nhân sai phạm. Từ kết quả trên, đã góp phần giúp cho các tổ chức đảng thấy được những ưu điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách tài chính của Đảng và Nhà nước để phát huy; kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa và khắc phục khuyết điểm không để trở thành vi phạm, đảm bảo cho công tác tài chính phục vụ thiết thực, có hiệu quả cho hoạt động của Đảng.

          Từ việc thực hiện công tác kiểm tra tài chính đảng trong thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tài chính, như:

          1. Về chế độ theo Quy định số 2701-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều cấp ủy, đặc biệt là cơ sở chưa nhận thức sâu, kỹ từng nội dung của quy định trong trong quá trình thanh toán đã chi sai một số chế độ theo quy định, nội dung chi sai thường tập trung vào việc thanh toán chế độ tham mưu xây dựng các văn bản trình ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy; chi trang phục không đúng đối tượng, chi 2 lần trong nhiệm kỳ; chi chế độ dự hội nghị, chi thăm hỏi, chi tiếp khách không đúng đối tượng... Bên cạnh việc nhận thức chưa đầy đủ nội dung của Quy định của các cấp ủy (đơn vị thu hưởng nhân sách), các cơ quan chức năng phê duyệt, thẩm định chế độ (phòng Tài chính, Kho bạc huyện) cũng chưa nắm chắc nội dung Quy định nên dẫn đến giải quyết khác nhau trong thanh toán và trong thẩm định quyết toán.

          Từ những vấn đề phát sinh qua thực tế về thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra tài chính của Đảng, Tiếp đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có Công văn số 357-CV/UBKTTU, ngày 31/8/2012 yêu cầu các huyện, thị, thành ủy thực hiện tự kiểm tra, rà soát chế độ chi theo Quy định và chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy cơ sở trực thuộc để kịp thời khắc phục. Tiếp đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã báo cáo đề xuất, kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu để giúp cấp ủy địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ, bổ sung, hoàn thiện quy định cho phù hợp. Qua kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành tổ chức sơ kết đánh giá việc thực Quy định số 2701-QĐ/TU của toàn Đảng bộ tỉnh; qua sơ kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1093-QĐ/TU, ngày 24/12/2013 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của các cấp ủy, cơ quan đảng ở tỉnh và địa phương thay thế Quy định 2701-QĐ/TU.

          2. Về chế độ thực hiện theo Quyết định 99-QĐ/TW, ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành Quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở; theo định mức chi như hiện nay cho cấp xã thì việc phân bổ kinh phí không đủ để thanh toán các nội dung theo Quyết định 99-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, nên trong điều hành chi của các xã, phường, thị trấn thanh toán nội dung “chi khối đảng”, nổi lên một số vấn đề sau: Đa số các cấp ủy sử dụng kinh phí từ Quy định 2701-QĐ/TU (nay là Quyết định 1093-QĐ/TU) để thanh toán phụ cấp cấp ủy viên theo Quyết định 169-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, có nơi còn sử dụng để trang trải một số khoản chi hoạt động cấp ủy. Bên cạnh đó, do không có kinh phí nên hầu hết các cấp ủy không thanh toán chế độ liên quan đến báo cáo viên (phụ cấp, thù lao báo cáo viên…); theo Hướng dẫn số 21-HD/VPTW thì đảng phí được trích để lại ở cấp xã là một trong những nguồn thu để đảm bảo cho các nội dung chi theo Quyết định 99-QĐ/TW, nhưng việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này chưa thống nhất, không đưa vào cân đối trong kinh phí chung của đảng ủy cấp xã; trên thực tế, hầu hết đảng ủy cấp xã số thu đảng phí được trích để lại giao cho cán bộ văn phòng đảng ủy cấp xã giữ tiền mặt và do đồng chí thường trực đảng ủy làm chủ tài khoản, điều hành chi tiêu, việc quản lý như vậy là chưa chặt chẽ, dễ tạo ra những sơ hở phát sinh tiêu cực; việc thực hiện chế độ báo cáo quyết toán kinh phí ngân sách đảng theo Quyết định 99-QĐ/TW, hiện nay đảng ủy cấp xã ở tỉnh ta chưa thực hiện được chế độ báo cáo kinh phí hoạt động công tác đảng theo biểu số BC01-TCĐ về cấp ủy cấp huyện để tổng hợp quyết toán báo cáo về cấp ủy cấp trên. Đồng thời, qua kết quả khảo sát 127 xã, phường, thị trấn, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có báo cáo trình Thường trực Tỉnh ủy, kiến nghị dự toán năm 2015 cho đảng ủy cấp xã trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét cho ý kiến trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt cùng với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 theo đúng Quyết định số 99-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, đảm bảo theo nguyên tắc công khai, có thuyết minh chi tiết; nghiên cứu viêc phân giao dự toán kinh phí hoạt động cho cấp ủy cấp xã theo “nguồn kinh phí mục tiêu” để đảng ủy cấp xã chủ động và thể hiện vai trò “chủ tài khoản” thật sự trong quản lý, sử dụng, điều hành kinh phí hoạt động công tác đảng tại đảng bộ địa phương (thông qua trợ giúp một phần của bộ máy kế toán ngân sách xã); và có văn bản hướng dẫn công tác quyết toán kinh phí đảng ủy định kỳ về Văn phòng cấp ủy cấp huyện theo quy định tại tiết b, khoản 1, Điều 5 của Hướng dẫn số 21-HD/VPTW; hướng dẫn thống nhất việc quản lý, sử dụng, hạch toán kế toán sổ đảng phí trích để lại đảng ủy cấp xã theo hướng ngân sách quản lý tập trung, thống nhất... Hiện nay dự toán năm 2015, UBND tỉnh phân giao cho ngân sách nhà nước cấp huyện đã có chú ý cân đối kinh phí hoạt động hợp lý cho cấp ủy cấp xã.

          3. Vướng mắc trong thu hồi, xử lý và sử dụng tiền vi phạm đã được kết luận qua kiểm tra tài chính đảng, ủy ban kiểm tra các cấp còn gặp nhiều lúng túng như: Quy định trong Đảng hiện nay về việc thu hồi tiền vi phạm nộp vào ngân sách chưa được cụ thể, nên khi phát hiện thu hồi tiền sai phạm của đối tượng được kiểm tra, các đoàn kiểm tra của tỉnh còn băn khoăn trong việc xử lý thu, nộp tiền vi phạm vào ngân sách, khó xác định được nên nộp vào ngân sách cấp nào (huyện hay tỉnh), nhất là những khoản chi sai do cấp dưới quản lý chưa chặt chẽ, nếu đoàn kiểm tra của tỉnh không phát hiện sẽ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, ngân sách Đảng. Trong thực tế, các đoàn kiểm tra và thẩm tra quyết toán của tỉnh khi xử lý kết luận tiền vi phạm hoặc là để lại nguồn kinh phí đơn vị tiếp tục sử dụng hoặc là nộp vào ngân sách Nhà nước, ngân sách Đảng cấp huyện, ít khi quyết định thu hồi nộp về cấp ngân sách cấp tỉnh.

          Trong quá trình tiến hành kiểm tra, các đoàn kiểm tra nếu phát hiện việc sử dụng trái quy định và pháp luật các khoản tiền mà xét thấy cần phải ngăn chặn ngay hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý, lẽ ra Trưởng đoàn kiểm tra phải đề nghị người ra quyết định kiểm tra ra quyết định tạm giữ tiền sai phạm (tương tự như khoản 1, Điều 40, Nghị định 86/2011/NĐ-CP, ngày 22/9/2011 của Chính phủ); việc thu hồi, tạm giữ kịp thời tiền sai phạm trong quá trình tiến hành kiểm tra còn thể hiện ý thức, thái độ thành khẩn, khắc phục kịp thời của đối tượng sai phạm, nhưng do hiện nay trong Đảng chưa quy định thẩm quyền này cũng như chưa cho phép mở “Tài khoản tạm giữ”, nên hiện nay việc thu hồi số tiền vi phạm chỉ được thực hiện sau khi có kết luận sai phạm và xử lý kỷ luật đối với đối tượng vi phạm, vì vậy đối tượng sai phạm sau khi bị xử lý kỷ luật và nhận hình thức kỷ luật thì thường đề nghị xin gia hạn kéo dài thời gian nộp tiền khắc phục sai phạm.

          Từ thực tiễn vướng mắc trên, qua báo cáo tình hình thu hồi, xử lý và sử dụng tiền vi phạm đã được kết luận qua kiểm tra theo Công văn số 5228-CV/UBKTTW, ngày 30/12/2014 của UBKT Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có kiến nghị Trung ương đối với nội dung thu hồi, xử lý và sử dụng tiền vi phạm đã được kết luận qua kiểm tra tài chính đảng như: cần có văn bản quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cấp có thẩm quyền kiểm tra trong việc thu hồi, quản lý, sử dụng số tiền vi phạm đã được kết luận thu hồi, nộp ngân sách Đảng, Nhà nước, trong đó quy định rõ thẩm quyền ra quyết định tạm giữ và việc mở “Tài khoản tạm giữ” để tạm giữ kịp thời các khoản vi phạm trong công tác kiểm tra tài chính của Đảng.

          Công tác kiểm tra tài chính đảng có ý nghĩa, mục đích nhằm đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng được kiểm tra, qua đó góp phần hạn chế, phòng ngừa sai phạm, để các cấp ủy, tổ chức đảng chấp hành nghiêm túc hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ, quy định về quản lý tài chính, tài sản của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tài chính đảng. Thiết nghĩ, đó cũng là góp phần phát huy được vai trò, vị trí của tài chính - ngân sách đảng, thể hiện đầy đủ ý nghĩa sự quan tâm của Đảng trong việc đảm bảo kinh phí hoạt động cho cấp ủy cơ sở, tạo điều kiện tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương./-