Phóng viên:
Những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lãnh đạo địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, công tác xây dựng Đảng, trong đó công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh được Tỉnh uỷ quan tâm đến đâu và công tác này góp phần như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đ/c Huỳnh Văn Tí:
Những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đạt đựơc những kết qủa quan trọng. Cùng với tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng, Đảng bộ đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của các cấp uỷ trong tỉnh.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm chỉ đạo, chất lượng và hiệu quả từng bước được nâng lên. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai nghiêm túc, chủ động, kịp thời, đạt được một số kết quả bước đầu. Ý thức rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên có nâng lên, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên có chuyển biến hơn trước.
Các loại hình tổ chức cơ sở đảng được tiếp tục sắp xếp, củng cố; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng từng bước chuyển biến tốt hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm đẩy mạnh, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được coi trọng, chất lượng hiệu quả dần được nâng lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức chỉ đạo quán triệt đầy đủ và kịp thời quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến tất cả các cấp ủy, các đảng bộ, chi bộ cơ sở, nhờ đó nhận thức và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra giám sát của Đảng trong toàn Đảng bộ nhìn chung đã có sự chuyển biến đáng kể. Hàng năm, căn cứ kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ trực thuộc Tỉnh ủy đều xây dựng kế hoạch kiểm tra. Các đoàn kiểm tra do đồng chí bí thư, phó bí thư hoặc uỷ viên thường vụ cấp uỷ chủ trì, tiến hành kiểm tra các địa phương, đơn vị trong tỉnh, từ sở ban ngành, huyện, thị, thành phố đến cơ sở xã phường thị trấn theo kế hoạch đề ra.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp uỷ các cấp đã tiến hành 2.398 lượt kiểm tra đối với tổ chức đảng cấp dưới về việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc tồn đọng, nổi cộm và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; về thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; lãnh đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, các chương trình hành động của cấp ủy về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương. Đồng thời tiến hành kiểm tra đối với 1.576 đảng viên về chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng; về chấp hành chính sách của Nhà nước; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống; về thực hiện những điều cán bộ, công chức và đảng viên không được làm.
Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, ngày càng thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát; giám sát được mở rộng, kiểm tra được tiến hành có trọng tâm trọng điểm. Thực tiễn cho phép khẳng định: công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát đã có tác dụng chủ động phòng ngừa; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Nhờ đó, kỷ luật của Đảng, kỷ cương hành chính của Nhà nước được tăng cường, lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền tiếp tục được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao hơn.
Phóng viên:
Giám sát là nhiệm vụ mới được giao, Đảng bộ tỉnh thực hiện nhiệm vụ này đạt kết quả như thế nào? Khó khăn và thuận lợi trong qúa trình thực hiện nhiệm vụ giám sát?
Đ/c Huỳnh Văn Tí:
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã bổ sung nhiệm vụ giám sát cho cấp uỷ, các ban của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ. Vì đây là nhiệm vụ mới, do đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương trong các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp trong tỉnh; trên cơ sở đó vừa làm, vừa tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để thực hiện đạt kết quả ngày càng tốt hơn. Sau khi nghiên cứu, quán triệt các văn bản của Trung ương, các cấp uỷ và UBKT các cấp trong tỉnh đã ban hành các văn bản của cấp mình về lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ giám sát theo thẩm quyền. Phần lớn cấp uỷ, UBKT các cấp đều xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm ngay từ đầu năm, xây dựng Quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan, đơn vị hữu quan, phân công cấp uỷ viên, Uỷ viên UBKT phụ trách địa bàn để thực hiện công tác giám sát thường xuyên tại địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách; định kỳ báo cáo kết quả giám sát để Thường trực cấp uỷ theo dõi chỉ đạo. Ngoài hoạt động giám sát chung, công tác giám sát chuyên đề được ngày càng chú ý hơn; cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thành lập nhiều đoàn tiến hành giám sát các nội dung quan trọng trong vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Từ đầu năm 2007 đến nay, cấp uỷ các cấp đã thực hiện giám sát 279 tổ chức đảng và 241 đảng viên; UBKT các cấp đã thực hiện giám sát 349 tổ chức đảng và 349 đảng viên. Trong số tổ chức đảng được giám sát có 04 Ban cán sự đảng, đảng đoàn cấp tỉnh; 26 lượt huyện, thị, thành uỷ; 10 ban đảng trực thuộc huyện uỷ; 244 đảng uỷ, Ban thường vụ đảng uỷ cơ sở và 344 chi bộ. Trong số đảng viên được giám sát có 03 tỉnh uỷ viên; 48 huyện uỷ viên và tương đương, 216 đảng uỷ viên và 18 chi uỷ viên.
Nội dung giám sát tổ chức đảng chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của cấp uỷ cấp trên và cấp mình; chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác cán bộ; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ; việc thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…
Nội dung giám sát đảng viên chủ yếu tập trung vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, quyết định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, giữ mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú; thực hiện chế độ sinh hoạt đảng và những điều đảng viên không được làm…
Qua giám sát, đã góp phần nâng cao ý thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; giúp tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên kịp thời thấy được ưu điểm để phát huy, nhận rõ những khuyết điểm, hạn chế để sửa chữa, khắc phục; phát hiện được những sơ hở trong lãnh đạo, quản lý để kịp thời điều chỉnh, bổ sung; phát hiện dấu hiệu vi phạm để cảnh báo, ngăn chặn, đề ra các giải pháp phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đoàn kết thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Sau các cuộc giám sát, cấp uỷ và UBKT các cấp đã có kế hoạch phúc tra kết quả việc khắc phục khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức, cá nhân được giám sát, để ngăn chặn, cảnh báo những vi phạm có thể xảy ra.
Tuy giám sát là nhiệm vụ mới, nhưng từ các quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác giám sát đã được Bộ Chính trị và UBKT Trung ương ban hành kịp thời. Ngoài việc nghiên cứu, quán triệt các quy định của Bộ Chính trị, hướng dẫn của UBKT Trung ương, từ thực tiễn, hoạt động giám sát mang lại hiệu quả ngày càng thiết thực, do vậy nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải làm tốt nhiệm vụ giám sát trong cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh ngày càng được nâng lên, tạo được sự nhất trí ngày càng cao.
Tuy nhiên, giám sát là nhiệm vụ mới, nên vẫn còn một số cấp ủy và tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, chưa thật sâu sắc, bộc lộ sự lúng túng trong việc xác định sự khác nhau về nội dung, phương pháp, cách làm giữa công tác kiểm tra và giám sát. Một khó khăn khác của công tác giám sát là đối tượng và nội dung nhiệm vụ giám sát khá rộng. Đối tượng giám sát bao gồm cả các tổ chức đảng và đảng viên. Nhiệm vụ giám sát khá toàn diện từ việc chấp hành cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến việc thực hiện nhiệm vụ người đảng viên, nhiệm vụ cấp uỷ viên, thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống…. Chính vì vậy, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy thì vai trò tham mưu của uỷ ban kiểm tra các cấp là rất quan trọng, điều cần hết sức lưu ý là trong một phạm vi khá rộng cả về nội dung và đối tượng giám sát như vậy phải biết chọn lựa để thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm, nội dung từ đơn giản đến phức tạp, từ điểm đến diện, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị; công tác giám sát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với tinh thần chủ động cao; và phải huy động sức mạnh tổng hợp của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, đồng thời phải dựa vào sự giám sát của nhân dân và sự phối hợp giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội… Có như vậy thì hoạt động giám sát của cấp ủy và Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy mới có kết quả.
Phóng viên:
Các tổ chức cơ sở đảng của Bình Thuận đã và đang triển khai tổ chức Đại hội, đồng chí cho biết, công tác kiểm tra, giám sát cần tập trung vào những trọng tâm gì để Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh thành công tốt đẹp?
Đ/c Huỳnh Văn Tí:
Cần phải khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ góp phần rất quan trọng vào quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng các cấp; góp phần đảm bảo cho sự thành công của Đại hội. Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều việc cụ thể cần triển khai nhưng trước hết cần tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là: Phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban nhân sự Đại hội và các cơ quan chức năng tham mưu giúp đại hội kết luận về tư cách của đại biểu về dự Đại hội, giúp cấp ủy kết lụân những vấn đề có liên quan đến nhân sự dự kiến cơ cấu vào cấp ủy nhiệm kỳ mới, trước hết cần làm tốt việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Khi có đơn thư tố cáo, phải kịp thời phân loại, lập kế hoạch, bố trí nhân lực, xác định rõ thời gian hoàn thành để tập trung giải quyết, không để kéo dài hoặc để sát đến Đại hội mới giải quyết. Thông qua nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin, nhất là qua phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản ánh của các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi quản lý; qua giám sát cũng như qua nắm tình hình, nếu phát hiện tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm phải khẩn trương tổ chức kiểm tra, kết luận trước khi tiến hành đại hội. Nếu có vi phạm đến mức phải có hình thức kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Bên cạnh đó, phải rà soát và tập trung giải quyết tốt các vấn đề tiêu cực tồn đọng, bức xúc (nếu có) của địa phương, đơn vị mà dư luận xã hội quan tâm, tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ và nhân dân trước khi tiến hành đại hội./.